Thursday, December 13, 2007

Chuyện trò cùng đồng đội. Huy Phuong

Chuyện trò cùng đồng đội
Monday, December 10, 2007
Huy Phương

Vào ngày 23 Tháng Mười Một vừa qua, ông Lê Văn Phan, một cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến VNCH và vợ đã bị công an Cộng Sản bắt giữ khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất, vì lý do có mang theo vũ khí để trong một chiếc va li của ông bà. Ðây là một tiếng chuông làm thức tỉnh cho nhiều anh em cựu chiến binh, mặc đầu đã bị tù đày hay bạc đãi, phải bươn chải để có được một ngày ra đi, nay lại vì tiếng gọi của “quê nhà” dắt díu nhau trở lại, vì lòng cả tin theo mấy chữ “quê hương mỗi người chỉ một”.
Nói đến cái phi lý của một khẩu Ruger-P85 và 13 viên đạn đã tàng hình qua bao nhiêu máy kiểm soát an ninh tối tân tại các phi trường Hoa Kỳ, là nói đến cái đã tâm và luật rừng rú vu vạ của của Cộng Sản. Nguồn tin mới nhất từ Việt Nam vừa cho biết, ông Lê Văn Phan đã thú nhận ông đã mang súng dạn về hoạt động cho đảng Việt Tân (?)Ðây lại là một câu chuyện rất khó tin và rất ấu trĩ. Chuyện này không khác gì ngày Tây thuộc, chính quyền thực dân đã bỏ bã thuốc phiện vào ruộng của những người yêu nước, để lấy lý do cầm tù những người này như là những tội đồ hình sự, bất lương. Trong những xã hội Cộng Sản, không có việc gì mà người ta không làm được: bỏ người chống đối vào nhà thương điên, tổ chức tai nạn xe hơi để giết người chống đảng hay đầu độc những nhân vật biết quá nhiều để bịt đầu mối. Vu cáo cho một nhân vật chính trị với tội phạm gián điệp, khủng bố hay một tội hình sự tầm thường là điều không khó thực hiện trong xã hội Cộng Sản.
Cộng Sản mở cửa để đón mời khách du lịch, thu ngoại tệ, tươi cười như một cô chiêu đãi viên nhưng sau lưng thủ sẵn con dao găm, hay gần đó phục kích dăm ba anh “đầu gấu” để sẵn sàng ra tay với những đối tượng mà họ cần hăm dọa, bắt bớ hay cảnh cáo. Vậy thì chúng ta về Việt Nam như người đi vào bóng tối, chấp nhận gặp những chuyện bất trắc đang chờ đợi, và chiếc giây thòng lọng đang chờ chúng ta thò chiếc đầu vào. Chúng ta là những người nắm dao đằng lưỡi, mỗi khi khi chính quyền Cộng Sản rút lưỡi dao là làm tổn thương cho chúng ta. Chính sách hai quốc tịch đã đưa chúng ta vào cái thế bị động, vì chính quyền Việt Nam hành sử với chúng ta như đối với một công dân Việt Nam, vì chúng ta chưa hề bỏ quốc tịch Việt.
Tôi xin đan cử trường hợp một vị cựu quân hiện nay đang làm việc cho các cơ quan thông tấn quốc tế được cử về Việt Nam làm công tác. Công an địa phương đã mời anh lên làm việc, và cho nói vanh vách trong những ngày vừa qua anh đã đi đâu, gặp ai. Công an thực tế không làm khó để nhưng luôn luôn theo dõi, răn đe và khi cần sẽ có biện pháp bắt bớ hay giam cầm tức khắc. Nếu những cựu quân nhân VNCH hay nói chung đồng bào hải ngoại khi về Việt Nam, xuống phi trường đều bị lục soát khó dễ, mời lên “làm việc” tại cơ quan công an thì từ nay chắc khó dễ thì không ai dám về cả, nhưng chúng ta như những người “vào rọ”, bất cứ lúc nào và vì lý do gì cũng đều có thể bị bắt giữ.
Chúng tôi nêu vấn này ra ở đây để không phải nói đến sự sợ hãi, để ở hải ngoại không dám tranh đấu bất cứ một diều gì cho đất nước, nhưng việc đi về thường xuyên của những anh em cựu quân nhân, nhất là những người đã trải qua nhiều năm trong các trại tập trung của Cộng Sản, hình như hoàn toàn khác biệt với những suy nghĩ của chúng ta ngày thất trận, ngày vào tù và ngày vượt biển trốn chạy Cộng Sản đến đây.
Có những sự trở về như theo tin trên mạng lưới điện toán, đầy đủ hình ảnh chứng minh thì một vị tướng của chúng ta sau khi đi tù về, lại trở lên vùng mà sư đoàn ông trấn đóng ngày xưa, tìm thăm, chuyện trò và ăn nhậu với các bộ đội Cộng Sản địa phương, và đã tuyên bố lấy lòng với kẻ thù xưa: “ngày xưa vì ngoại bang mà anh em ta đã hiểu lầm nhau!” Thật nhẫn tâm và xấu hổ với những người đã chết cho vinh quang của một ngôi sao trên cổ áo của một tướng lãnh như vị này.
Cho tới giờ này, dù đã trải qua bao nhiêu kinh nghiệm cay đắng vì bị phản bội, tù đày, lưu lạc, hình như chúng ta cũng chưa hiểu nỗi những gì Cộng Sản đã làm và sắp làm. Chúng ta trở về Việt Nam không phải để làm ăn hay mua chút danh vọng cuối đời như một vài nhân vật trong mấy năm ở hải ngoại, mà chỉ vì tình cảm quê hương, làng mạc hay mồ mả ông cha. Nhưng rõ ràng con số người được cấp visa về nước càng ngày càng cao, tỷ lệ thuận với sự thắng lợi về tuyên truyền của Cộng Sản về mấy chữ quê hương, tổ quốc.
Chúng tôi hy vọng trường hợp của ông bà Lê Văn Phan sẽ làm cho đồng hương và các cựu chiến binh của chúng ta có đôi chút suy nghĩ trong dịp “về quê ăn Tết”(!) trong những ngày tháng sắp đến đây